LNV - Trải qua hơn trăm năm hình thành và phát triển, chùa Giác Nguyên (Cần Giuộc, tỉnh Long An) vẫn là một địa điểm tôn giáo dành để tu tập, truyền bá Phật pháp, lưu giữ những giá trị văn hóa tâm linh, lịch sử.
Xây dựng từ năm 1909, chùa Giác Nguyên tọa lạc tại 160 Nguyễn An Ninh, khu phố 3, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đến nay chùa đã có lịch sử 112 năm và trải qua 3 đời trụ trì: Cố Đại Lão Hoà Thượng thượng Huệ hạ Quang (1890 - 1963); Đại đức Thích Huệ Minh có thế danh Lê Văn Mười, bí danh là Hoàng Ân ( 1924 - 1992); và đương kim trụ trì Đại đức Thích Huệ Phát.
Nằm nép mình, an yên tại một thị trấn nhỏ ở huyện Cần Giuộc, chùa Giác Nguyên đến nay đã có 112 năm lịch sử
Tổ khai sơn Chùa Giác Nguyên là Cố Đại Lão Hoà Thượng thượng Huệ hạ Quang, có thế danh là Lê Văn Khá. Sinh ra trong gia đình trung nông, từ nhỏ Hòa thượng đã tiếp xúc nhiều với Phật pháp do được song thân thường xuyên dẫn đi viếng chùa. Năm 13 tuổi, giác ngộ tinh thần Phật pháp cũng như chứng kiến, cảm thương trước nhiều mảnh đời bất hạnh đau khổ của người dân trong thời kỳ đất nước bị thực dân Pháp đô hộ. Hòa thượng quyết định đến chùa làm công quả, theo học chữ hán và bốc thuốc giúp bà con nghèo. Từ đây, với tinh thần từ bi sẵn có và tinh hoa Phật pháp thấm nhuần Hòa Thượng thế phát xuất gia, lấy pháp danh Thích Huệ Quang (ý nghĩa Trí tuệ sáng suốt).
Sau thời gian dài cần mẫn tu học, năm 1909 Hòa thượng được Sư Tổ cho lập chùa riêng, hiệu là Giác Nguyên Tự, mang ý nghĩa ngôi chùa của sự tỉnh thức, giác ngộ biết về nguồn cội. Để có điều kiện tu học truyền bá đạo pháp, làm việc thiện, Hòa thượng đến làng Trường Bình, quận Cần Giuộc, tỉnh Gia Định - Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An) thuê đất lập chùa. Thời gian đầu chùa chỉ là một am nhỏ dựng tạm bằng cột cây vách lá, tại đây Hòa thượng Thích Huệ Quang thường ngày tinh tấn tụng kinh niệm Phật, bốc thuốc trị bệnh giúp người.
Từ những ngày đầu thành lập, Giác Nguyên Tự đã nhận được nhiều tín tâm của Phật tử gần xa
Qua những tháng ngày hành đạo tu thiện tích đức, Hòa Thượng nhận được nhiều tín tâm từ bà con xa gần. Phật tử Nguyễn Thị Tư cảm mến đức độ sư thầy Thích Huệ Quang đã phát tâm mua phần đất chùa đang thuê hiến cúng, xây dựng chùa. Thời gian này, Hòa thượng tiếp tục làm nhiều việc phước, hình thành phát triển pháp môn ứng Phú đạo tràng và được bầu làm Hội trưởng Hội Tịnh Độ Tăng Già. Đến năm 1963, vì bệnh duyên Hòa Thượng đã thuận thế vô thường.
Năm 1976, Đại Đức Thích Huệ Minh trở thành trụ trì tiếp theo và bắt đầu tái thiết trùng tu ngôi chùa. Năm 1983, chùa Giác Nguyên chính thức gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ một am nhỏ tu tập Phật pháp trở thành địa điểm tôn giáo, truyền giảng Phật giáo đến các Phật tử khắp nơi.
Chùa Giác Nguyên gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1983, chính thức trở thành địa điểm tôn giáo, tu tập Phật pháp
Đến thăm chùa, khách hành hương sẽ cảm nhận được sự an yên, thanh tịnh chốn tu hành. Kiến trúc chùa Giác Nguyên thiết kế thờ theo lối xưa có Ngọc hoàng Thượng đế, thập điện Diêm vương và các vị Bồ tát. Khởi nguyên, chánh điện ngày xưa của chùa là hình tứ giác, nóc bánh ít, vách gỗ mái lá, sau đó sửa lại xây tường lợp ngói đại tiểu (ngói âm dương), bàn thờ trong chính điện bấy giờ được xây theo hình bát giác. Tổng thể chùa có 32 pho tượng Phật, trong đó có 20 tượng tạc bằng gỗ mít, 12 bức tạc xi măng theo lối xưa. Các pho tượng lớn cao khoảng 1m40, tượng nhỏ cao 60-80 phân. Chùa còn có chuông mỏ Gia trì, đại Hồng chung, Trống bát nhã và bộ xám bài thờ ngũ phương năm vị Phật bồ tát (Phật Bổn sư Thích ca, Đức Quan thế âm, Đức đại thế chí, Đức Văn Thù và Đức Phổ Hiền).
Chùa thiết kế thờ theo lối xưa có Ngọc hoàng Thượng đế, thập điện Diêm vương và các vị Bồ tát
Đặc biệt, trước đây xung quanh chùa có nhiều ao nước như chiến hào, hầm trú ẩn dùng cho những chiến sĩ hoạt động cách mạng ẩn thân vì chùa từng nằm trong khu ấp chiến lược. Bấy giờ, Đại đức Thích Huệ Minh – trụ trì thứ 2 chùa Giác Nguyên cũng tham gia vào kháng chiến bảo vệ đất nước (năm 1945). Năm 1947 sư thầy bị bắt, bị tra tấn dã man và giam tại khám Chí Hòa, khoảng thời gian này chùa cũng tạm ngừng hoạt động. Đến năm 1954, khi trao đổi tù binh, sư thầy tập kết ra Bắc, rồi chính thức trở về vào năm 1976, tiếp tục xây dựng phát triển ngôi chùa. Sau nhiều năm thân thể tổn thương vì chiến tranh, năm 1992 sư thầy đã an nhiên thu thần Thị Tịch.
Trải qua thời gian dài chịu đựng nắng mưa, chùa Giác Nguyên xuống cấp trầm trọng phải qua nhiều lần tu sửa. Gần đây nhất, năm 2017 chùa khởi công đặt đá tái thiết trùng tu lại các hạng mục. Đến năm 2018 chính thức xây dựng, hiện đã hoàn thành được 80% công trình. Vì được trùng tu với quy mô lớn nên chùa đang tạc lại mẫu tượng Phật bổn sư bằng đồng có kích thước cao gần 4m để phù hợp hơn với chánh điện mới.
Chùa dự kiến sẽ hoàn thành những công trình cuối cùng sau khi dịch bệnh ổn định
Song, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chùa cho tạm dừng thi công để phòng dịch và thực hiện công tác thiện nguyện giúp cho bà con khó khăn trong nhiều tháng liền. Thầy Thích Huệ Phát trụ trì chùa Giác Nguyên cho biết, khi nào dịch bệnh ổn định hoàn toàn chùa sẽ tiếp tục xây dựng lại.
Bên cạnh kiến trúc độc đáo, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, là nơi tu tập Phật pháp của nhiều người, chùa Giác Nguyên còn là nơi san sẻ nhiều tình yêu thương. Chùa tổ chức các khóa tu hướng đến giác ngộ đạo đời và cưu mang trẻ em mồ côi, cơ nhở. Chùa Giác Nguyên cũng tích cực với những công việc thiện nguyện giúp đỡ cộng đồng như: phát quà cho người nghèo, xây dựng nhà tình thương tình nghĩa, trao học bổng học sinh khó khăn, cứu trợ lũ lụt, người dân ảnh hưởng vì dịch bệnh,...Tất cả đều mong chia sẻ tấm lòng từ bi bác ái của đạo Phật đến mọi người trong lúc khổ nạn.
Những phần quà nghĩa tình của chùa Giác Nguyên gửi đến bà con nghèo người dân tộc ở tỉnh Vĩnh Long năm 2017
Hơn một trăm năm qua đi, với các hoạt động tôn giáo, văn hóa tâm linh ý nghĩa, chùa Giác Nguyên mỗi ngày vẫn giữ gìn thời khóa tu tập và giác ngộ Phật pháp. Nhận được nhiều sự tin yêu từ những người con Đức Phật, chùa Giác Nguyên trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân địa phương cũng như khách thập phương.
Bài, ảnh: Trà Giang